4 Bước để Trở thành một nhà Lãnh đạo truyền Cảm hứng
Chào các bạn, đây là 1 bài viết khá dài, mình đã đúc kết được sau 1 năm bỏ hàng trăm triệu để đi học, và vừa học vừa thực hành.
Một trong những Nhà lãnh đạo truyền cảm hứng nhất mà tôi từng gặp là anh Hòa Yody. Ở Yody, tôi luôn thấy được năng lượng hừng hực của nhân sự, các bạn sẵn sàng làm ngày làm đêm để đạt mục tiêu. Mục tiêu năm sau tăng trưởng gấp 200% – 300% so với năm trước. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt trong cách lãnh đạo của anh Hòa Yody?
Câu trả lời chính là, anh Hòa luôn thường xuyên đưa ra một tầm nhìn tràn đầy cảm hứng, luôn nói về mục đích và ý nghĩa mà công việc của mỗi nhân sự đang thực hiện, từ vị trí bảo vệ, cho đến nhân viên kho, nhân viên sản xuất, nhân viên marketing, nhân viên sale… Anh Hòa biết rằng, anh ấy là hình mẫu để nhân viên noi theo, chính vì thế, anh ấy giữ intergrity trong mọi mối quan hệ làm việc của mình.
Anh Hòa chính là một ví dụ sinh động về phong cách lãnh đạo chuyển đổi. Anh ấy đặt kỳ vọng cao, nhưng thay vì ngồi “vắt chân” một chỗ và chờ kết quả, anh ấy lại “từng bước, từng bước” truyền đạt kỳ vọng của mình cho đội nhóm. Thật tuyệt đúng không?
Đọc tới đây chắc chẳn bạn cũng muốn biết thực sự thì “lãnh đạo chuyển đổi” là cái gì mà có tác dụng ghê gớm tới vậy? Đừng vội, sau khi đọc xong bài viết này bạn sẽ biết cách để trở thành một nhà lãnh đạo chuyển đổi, từ đó tạo động lực cho đội nhóm của mình đạt được hiệu suất vượt trội. Chẳng phải điều đó rất tuyệt sao?
Phong cách Lãnh đạo chuyển đổi là gì?
Chuyên gia nghiên cứu về lãnh đạo James McGregor Burns đã giới thiệu khái niệm lãnh đạo chuyển đổi trong cuốn sách của ông ấy “Leadership” năm 1978. Ông định nghĩa rằng lãnh đạo chuyển đổi là một quá trình nơi “người lãnh đạo và đội nhóm cùng giúp đỡ nhau nâng cao trình độ từ đạo đức tới động lực.”
Bernard M. Bass đã phát triển khái niệm này xa hơn trong cuốn sách “Leadership and Performance Beyond Expectations“, năm 1985. Trong đó nhà lãnh đạo chuyển đổi có các đặc điểm:
- Là tấm gương cho sự toàn vẹn và công bằng.
- Thiết lập mục tiêu rõ ràng.
- Có kỳ vọng cao.
- Khuyến khích động viên mọi người.
- Cung cấp sự hỗ trợ và công nhận thành quả.
- Đặc biệt chú ý tới cảm xúc của nhân viên.
- Giúp mọi người nhìn xa hơn sở thích cá nhân của họ.
- Truyền cảm hứng cho mọi người đạt được những điều không tưởng.
Hơn 25 năm sau cuốn sách của Bass, lãnh đạo chuyển đổi đã được coi là một trong những ý tưởng lãnh đạo quan trọng nhất trong kinh doanh.
Làm sao để trở thành một nhà lãnh đạo chuyển đổi?
Bạn có thể sử dụng quy trình đã được tổng hợp và cô đọng từ ý tưởng trong cuốn sách của Bass để trở thành một nhà lãnh đạo chuyển đổi. Bao gồm:
- Tạo ra một tầm nhìn đầy cảm hứng về tương lai.
- Tạo động lực cho mọi người tiếp nhận và thực hiện tầm nhìn đó.
- Quản lý tiến độ thực hiện của tầm nhìn đó.
- Xây dựng và phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với mọi thành viên trong đội nhóm của mình.
Lưu ý nhỏ: Bạn có thể thấy rằng, quy trình trên không đi trực tiếp từ danh sách của Bass. Tuy nhiên, nó truyền tải được những đặc điểm mà ông đặt ra trong các bước thực hiện rõ ràng và khả thi.
Khi bạn áp dụng các bước dưới đây, kết hợp với những công cụ đi kèm, bạn sẽ sớm phát triển được các kỹ năng để trở thành nhà lãnh đạo chuyển đổi.
Bước 1: Tạo ra một tầm nhìn đầy cảm hứng
Hãy tạo ra một tầm nhìn tràn đầy cảm hứng. Vì sao lại vậy? Mọi người đi theo sự dẫn dắt của bạn bởi một lý do thuyết phục, đây chính là nguyên do tại sao bạn cần phải tạo và truyền thông một tầm nhìn đầy cảm hứng về tương lai.
Cuối năm 2020, ở LiveSpo, 22 leader đã cùng đồng thuận 1 sứ mệnh: “Vì 1 tương lai không kháng sinh” để giúp cho hàng triệu người trên thế giới giảm phụ thuộc vào kháng sinh, tạo ra 1 cuộc cách mạng về chăm sóc sức khỏe bằng bào tử lợi khuẩn. Và xây dựng lên 1 tầm nhìn 5 năm: “LiveSpo là công ty dược nền tảng số, phục vụ 1 triệu hộ gia đình trên toàn thế giới”. Với sứ mệnh và tầm nhìn này, trong tâm thức mỗi người LiveSpoer đều rưng rưng niềm tự hào, và cống hiến vì sứ mệnh của tổ chức.
Để có được điều này, chúng tôi phải thấu hiểu về giá trị của các thành viên trong đội nhóm, thấu hiểu khả năng và nguồn lực của tổ chức, và lựa chọn chiến lược phát triển đúng đắn để theo đuổi đến cùng.
Nếu bạn đang phát triển một tầm nhìn cho đội nhóm của mình, hãy bắt đầu từ tầm nhìn và sứ mệnh của công ty, sau đó tìm ra giải pháp mà đội nhóm của bạn có thể cống hiến trực tiếp cho tầm nhìn và sứ mệnh đó.
Bước 2: Tạo động lực cho mọi người tiếp nhận và thực hiện tầm nhìn đó
Để tạo được động lực cho mọi người, trước hết bạn cần phải biết “lắng nghe”. Bạn cần phải hiểu rõ được ước mơ, mục tiêu trong cuộc sống của mỗi người trong đội nhóm là gì?
Liên kết mục tiêu cá nhân và mục tiêu của tổ chức, nói cho họ biết khi đạt được mục tiêu của tổ chức thì mục tiêu của họ sẽ đạt được, từ đó giúp họ tìm ra cách để họ cống hiến để họ đạt được mục tiêu cá nhân.
Đừng cố gắng nhồi nhét vào đầu mọi người về tầm nhìn của bạn. Nhân viên của bạn sẽ chẳng quan tâm đâu nếu như trong tầm nhìn của bạn không có họ? Bên cạnh đó, đừng bao giờ bắt nhân viên phải làm thế này, làm thế kia, hãy chia sẻ cho họ câu chuyện của bạn đang cố gắng giúp đỡ người khác như thế nào, ngay lập tức nhân viên của bạn sẽ bị tác động tích cực để cùng bạn thực hiện hóa tầm nhìn.
Đã là nhà lãnh đạo chuyển đổi bạn sẽ biết rằng sẽ không có thành quả nào đáng kể xảy ra trừ khi bạn khích lệ đội nhóm của mình. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn nắm chắc trong tay các kỹ thuật tạo động lực để áp dụng và truyền cảm hứng cho đội nhóm của mình giúp họ phát huy tối đa tiềm năng. Và sẽ là kết quả tất yếu rằng bạn và đội nhóm của mình sẽ sớm đạt được tầm nhìn mà bạn đặt ra ban đầu. Chẳng phải đó là điều bạn vẫn hằng mong muốn sao?
Bước 3: Quản lý tiến độ thực hiện của tầm nhìn đó
Để đạt được tầm nhìn, nhà lãnh đạo phải chia nhỏ ra thành các cột mốc nhỏ theo từng giai đoạn.
Ví dụ: Tầm nhìn 2025 của chúng tôi là trở thành công ty dược nền tảng số với 100 triệu hộ gia đình, chúng tôi chia thành các milestone nhỏ hơn
2024: Mở rộng thị trường ra 25 quốc gia
2023: Market leader thị trường nội địa (min 30% thị phần)
2022: Hoàn thiện chuyển đổi số
Để quản lý được tiến độ thực hiện tầm nhìn, bạn cần kết hợp quản lý tốt 2 điều: quản lý dự án và quản lý sự thay đổi. Điều này sẽ giúp bạn thực hiện những thay đổi cần thiết với sự hỗ trợ toàn lực của các thành viên trong đội nhóm.
Làm sáng tỏ từng vai trò, trách nhiệm của từng thành viên, và kết nối chúng với kế hoạch của bạn.
Cho họ rõ vì sao họ cần làm như vậy, các key success factors (key drivers) là gì.
Tiếp theo, hãy đặt mục tiêu SMART, ngắn hạn và dài hạn, và ăn mừng với các chiến thắng nhỏ để tạo động lực giành chiến thắng lớn hơn.
Bước 4: Xây dựng và phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với mọi thành viên trong đội nhóm của mình
Để trở thành 1 nhà lãnh đạo truyền cảm hứng, bạn phải đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của mình. Giúp nhân viên đạt được mục tiêu, đạt được ước mơ thì chính là thành công của người lãnh đạo.
Trước hết, hãy tạo ra 1 môi trường để sự chân thành và tin tưởng phát triển. Sự tin tưởng là gốc rễ của mọi mối quan hệ.
Tiếp đến, hãy gặp từng người, trò chuyện với họ, tâm sự với họ để nắm bắt được nhu cầu phát triển của họ là gì, từ đó giúp họ đạt được mục tiêu sự nghiệp. Họ muốn đạt được điều gì khi ở vai trò đó? Họ thấy mình thế nào trong vòng 5 năm tới?
Cuối cùng, hãy dành thời gian để huấn luyện nhân viên của bạn. Bởi khi bạn giúp họ tìm ra giải pháp của riêng mình, thì bạn đã dùng “một mũi tên và bắn trúng 2 con chim”.
Tại sao lại như vậy? Thứ nhất bạn sẽ tạo ra được một đội nhóm có hiệu suất cực kỳ cao. Thứ hai, bạn cũng sẽ giúp họ cảm thấy tự tin hơn về bản thân và củng cố niềm tin của họ vào bạn. Như vậy là bạn đã đạt được mục tiêu và mục đích của mình rồi đúng không?
Có những người sinh ra đã có tố chất lãnh đạo, nhưng để trở thành 1 lãnh đạo truyền cảm hứng thì bắt buộc phải rèn luyện. Lãnh đạo chính là tu thân!